Nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã nói về cõi âm

Nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã : “từ bi là một chiến lược sống”

Sáng 18/5, tại nhà hàng Le Petit Hà Nội (39 Lê Duẩn, Q.1, TP.HCM), chúng tôi đã tổ chức chương trình giao lưu với nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã về chủ đề “Sống cho hôm nay, sống cho ngày mai”. Đây có thể coi là cuộc giao lưu về lĩnh vực tâm linh lần đầu tiên được tổ chức, đã thật sự giải tỏa được những thắc mắc về tâm linh rất gần gũi nhưng xưa nay ít được tiếp cận. Hơn thế, nó thực sự trở thành một diễn đàn để bạn đọc gần xa gửi gắm những tâm sự, nỗi niềm trong cuộc sống thường nhật.

nha-ngoai-nguyen-van-nha copy

Nhà ngoaị cảm Nguyễn Văn Nhã

(1 trong 10 nhà ngoại cảm Việt Nam)

Từ sáng sớm, nhà hàng Le Petit Hà Nội đã có rất đông người đến chờ đợi được giao lưu với nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã. Ông có mặt tại khán phòng trong trang phục giản dị với nụ cười rất tươi. Sự xuất hiện của ông lập tức là tâm điểm của sự chú ý. Mặc dù cuộc giao lưu chưa chính thức bắt đầu nhưng những câu hỏi đã dồn dập đến.

Sức hút của tâm linh

Lần đầu tiên, tôi thấy những lời đề nghị tìm mộ gửi đến cho ông ít hơn những băn khoăn, trăn trở về lĩnh vực tâm linh diễn ra trong đời sống hàng ngày. Nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã vẫn được người ta biết đến nhiều nhất trong vai trò người tìm mộ bằng phương pháp ngoại cảm rất thành công. Nhưng trong buổi giao lưu, ông mang một vai trò khác, như là một sự dẫn dắt, kết nối mọi người đến với những điều tốt đẹp, cũng là người để đọc giả gửi gắm những tâm sự. Có lẽ vì vậy mà không gian nhà hàng rộng lớn dần chật người, hàng trăm người, nam phụ lão ấu từ khắp nơi tìm đến. Người cao tuổi nhất gần 80 và khán giả “nhí” thì vừa tròn 4 tuổi. Một độc giả ở Tây Nguyên hay tin về cuộc giao lưu, không đến dự cũng đã gửi thư chia sẻ thắc mắc của mình.

Sự xuất hiện của Hoa khôi thể thao Thu Hương cùng một số diễn viên nổi tiếng cho thấy tâm linh là vấn đề ăn sâu vào ngõ nghách của cuộc sống, là sự quan tâm của rất nhiều người. Anh Nguyễn Ngọc Thành, đến từ Gò Vấp, TP.HCM tâm sự: “Biết đến nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã từ lâu và rất mong được gặp ông nên tôi đến từ sớm. Tôi rất tin vào tâm linh, vào nhân quả tốt đẹp của cuộc sống nên chỉ cần nghe ông nói chuyện, với tôi niềm tin ấy càng mãnh liệt hơn”.

Những câu hỏi thắc mắc được gửi đến đều pha lẫn trong những câu chuyện rất đời thường, khiến khán phòng như trở nên ấm cúng hơn. Gia đình khán giả nhí Hoàng Lê Xuân Lâm, 4 tuổi kể: Đêm nào cũng vậy, cứ 12 giờ đêm, đang ngủ thì cậu bật dậy khóc thét dù mắt vẫn nhắm. Nghĩ vấn đề xuất phát từ chỗ ở nên gia đình đưa cậu bé ra Bắc nhưng tình hình không thay đổi. Họ lại vào Nam nhưng tình trạng cậu càng nặng hơn mỗi đêm cậu la hét đến hai lần trong khi ngủ. Gia đình mang theo cậu đến buổi giao lưu mong được nhà ngoại cảm giải đáp để họ có thể hóa giải tâm bệnh dai dẳng.

Một người khác gửi đến nhà ngoại cảm một câu chuyện cảm động: Anh trai anh bị tai nạn ra đi đột ngột nhiều năm trước. Vì điều kiện nên không thể đưa về quê nên phải hỏa táng gửi vào chùa. Nhiều năm ròng anh đi tìm câu trả lời, liệu vong hồn anh trai có theo xác được không? Từ lâu anh chỉ có một nỗi niềm luôn đau đáu là làm cách nào để giúp đỡ vong hồn anh trai mình. Bây giờ điều kiện kinh tế đã khá hơn nhưng anh vẫn chưa tìm ra cách. Được gặp nhà ngoại cảm, anh gần như đã cởi bỏ được gánh nặng trong lòng. Câu chuyện được kể trong sự im lặng chia sẻ của hàng trăm người dự khán. Trong đó rất nhiều người tha hương lập nghiệp như anh, cùng có rất nhiều trăn trở về cuộc sống thường nhật và cả những ý niệm chưa hoàn thành.

Còn rất nhiều câu chuyện, thắc mắc khác, từ cuộc sống, cái chết đến vong hồn. Cả những chuyện đời thường như khấn nguyện, cúng giỗ đều được chia sẻ, hàng trăm gương mặt rạng rỡ như tìm thấy được mình trong đó. Những khúc mắc về tâm linh tưởng chừng đơn giản nhưng là sự trăn trở của hầu hết mọi người lần lượt được tháo gỡ.

Thông điệp của tâm linh

Nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã, ngoài việc giải đáp thắc mắc của bạn đọc, còn chia sẻ hành trình tìm mộ của mình mà đích đến quý báu là việc ông nhận diện được con đường ấy dẫn ông đến một chân lý: Chết không phải là hết. Vấn đề là chết đi về đâu? Nhận biết được điều đó, mỗi người đang sống sẽ chuẩn bị được tâm thế cho mình, cũng như giúp đỡ được cho rất nhiều vong hồn đã mất. Đó cũng là ý nghĩa sâu xa của thông điệp “sống cho hôm nay, sống cho ngày mai”, ông gửi đến bạn đọc.“Mỗi người chúng ta đang sống đều cần chuẩn bị một “chiến lược” để sau khi thần thức bỏ thể phách ra đi, sẽ được kết nối về với thế giới mà ta mong muốn, thế giới không những cao hơn cõi ma, ngạ quỷ mà còn cao hơn loài người”. Nhiều bạn đọc thắc mắc làm thế nào để xây dựng được “chiến lược” đó? Ông trả lời: Chìa khóa rất đơn giản, đó chính là cách sống tốt đời đẹp đạo, ban phát lòng từ bi.

“Nhiều người trong số các bạn có lẽ một đôi lần nghe đến bị vong hồn này vong hồn kia đi theo mình. Xin đừng sợ. Hãy hỏi tại sao không có một ngàn hoặc nhiều hơn thế những hồn ma xung quanh để mình được làm phước, được cầu nguyện cho họ”-ông nói. Nơi chúng ta đang sống đã tồn tại rất nhiều năm, vong hồn người chết, kể cả động vật nhiều lắm, ở đâu cũng có. Vì động vật tiền kiếp hoặc hậu kiếp của chúng cũng có thể là người. Người sống không nên sợ. Hãy cầu nguyện mỗi ngày, mỗi giờ giúp họ siêu thoát. Sống từ bi đức độ lâu ngày thì sẽ có nghiệp lực dẫn vong hồn về với cõi tốt đẹp khi chúng ta rời khỏi thế giới này.

 

 

Nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã chia sẻ cùng

Hoa khôi Thu Hương kể với nhà ngoại cảm một câu chuyện chị đọc được: Một người trước khi chết thấy hồn mình lơ lững trên nóc nhà không đi được. Người ta quan niệm rằng vì còn nợ nhiều người quá nên không thể siêu thoát, phải ở lại trả nợ. Chị Thúy Khang thì chia sẻ một quan niệm khác: Mỗi con người có một sóng điện. Sau khi chết đi, sóng điện nào yếu thì tan đi, sóng nào mạnh thì vẫn còn tồn tại. Nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã phân tích rằng sở dĩ vong hồn không siêu thoát là do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân xuất phát từ người sống. Mỗi con người chúng ta ai cũng mang một hoặc nhiều món nợ, không vật chất thì tinh thần. Có hóa giải được hay không trước khi rời thế giới này đều do ở phúc phần ta tạo ra khi sống. Con người sống chan hòa, nhân ái thì thần thức, cả khi sống hay khi chết đi, đều nhẹ nhõm.

Ông ví von về việc cầu nguyện và ban phát từ bi như là việc đang gửi đi những tần số sóng, kết nối với “tổng đài” tâm linh, là việc tích đức để tạo nghiệp lực về với thế giới tốt đẹp sau này. “Mỗi lời cầu nguyện giúp đỡ được rất nhiều, cho chính mình và cho những người đã khuất. Hãy bắt đầu từ ông bà cha mẹ, họ hàng, rồi đến hàng xóm mình và xa hơn nữa. Tôi nói thật, các bạn có một trăm tỷ đồng nhưng chết đi có mang theo được đâu. Nhưng kho báu tình thương thì theo bạn mãi mãi, nhiều kiếp luân hồi về sau”-ông phân tích. Vì vậy mà ông đi nhiều nơi trên thế giới, có những bậc thiền sư tu tập hàng trăm, hàng ngàn năm, dù có mất đi thể phách thì thần thức của họ vẫn tiếp tục tu tập.

Ông lại nói, khi gửi sóng TB (TỪ BI), hãy thành tâm và bằng sự say mê. Ông đến đền chùa, thấy nhiều người vừa cúi đầu khấn nguyện xong vừa ra ngoài đã quát tháo, cãi vã với người khác. Làm như thế là đã gửi nhầm sóng TSS (THAM-SÂN-SI) rồi, sẽ phản tác dụng. Suốt buổi giao lưu, hàng trăm độc giả chăm chú lắng nghe những phân tích của nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã và đều rất tâm đắc. Ông còn đưa ra nhiều ví dụ rất dí dỏm để giải thích sinh động về nhân quả, luân hồi. Những câu chuyện vì thế tiếp nối nhau kéo dài đến giữa trưa. Một số người mạnh dạn lên đứng cùng nhà ngoại cảm chia sẻ những trải nghiệm tâm linh của mình.

“Cảm ơn quý báo và nhà ngoại cảm đã cho chúng tôi một trải nghiệp quá đỗi ý nghĩa”- bà Nguyễn Thị Hồng, 68 tuổi xúc động nói- “Nhờ trải nghiệm đó chúng tôi có thêm sức mạnh để tin rằng chết không phải là hết. Chúng tôi tâm niệm và  nhắn với những người sống tham lam, đam mê vật chất hưởng thụ, phí hoài cuộc sống rằng có những điều tốt đẹp hơn đang và sẽ đón đợi mỗi con người chúng ta. Nên phải sống thật tốt, hãy cùng nhau ban phát từ bi, ban phát lòng yêu thương cho người đang sống lẫn những người đã khuất”. Bà lão nói rồi quay đi với một nụ cười rất mãn nguyện. Còn tôi chợt thấy rằng những quy luật tâm linh, từ nhà ngoại cảm dung dị, đi vào lòng người khác một cách rất đỗi tự nhiên. Chợt thấy, lần đầu tiên có một cuộc giao lưu về tâm linh “kỳ lạ”như thế. Tâm linh mà từ đầu đến cuối đều mang hơi thở cuộc sống, rất gần gũi và chan hòa, không siêu hình hay huyền bí như người ta mường tượng.

Duy lam – nguyenngochoai.vn | Theo  Xahoi.com

Nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên

Nhà ngoại cảm Việt Nam

Nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên | 10 Nhà ngoại cảm Việt Nam

nha-ngoai-cam-nguyen-van-lien
Ông Nguyễn Văn Liên (người chắp tay đứng giữa) đang kể chuyện

tìm mộ liệt sĩ. (1 trong 10 nhà ngoại cảm Việt Nam)

Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải lúc ấy sau khi nghe báo cáo đã hoan nghênh việc làm của ông Liên và đồng ý với đề nghị của Bộ Khoa học – Công nghệ và Môi trường về việc tiếp tục triển khai Chương trình khảo nghiệm khả năng tìm mộ từ xa bằng phương pháp ngoại cảm của ông Liên với mức độ cao hơn. Chương trình khảo nghiệm này đã thu được những kết quả “gây sốc” nhưng đáng tin cậy…

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình: “Khả năng tìm mộ của ông Liên là một năng lực hiếm có”

Trong bức thư cảm ơn nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình viết:

Thư cảm ơn

“Kính gửi ông Nguyễn Văn Liên

Đồng kính gửi các ông trong ban lãnh đạo chương trình thực nghiệm năng lực tìm mộ của ông Nguyễn Văn Liên.

Trước đây tôi có nhờ ông Liên, qua Ban lãnh đạo, tìm giúp mộ liệt sĩ Lê Duy Nhuận, là chồng của bạn tôi, chị Duy Liên – Nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh.

…Điều đặc biệt quan trọng là lời chỉ dẫn của ông Liên rất chính xác. Theo sơ đồ vẽ từ Hà Nội chúng tôi đã đến đúng nghĩa trang Bến Cát nơi quy tập hài cốt của liệt sĩ Lê Duy Nhuận. Đặc điểm của hài cốt được ông Liên báo trước rất chính xác (xương sọ, xương chân…).

Chị Duy Liên vì sức yếu không ra Hà Nội được, thay mặt chị và cá nhân, tôi xin cám ơn ông Liên và các vị lãnh đạo chương trình.

Tôi tìm hiểu thêm, được biết ông Liên đã tìm mộ cho một số liệt sĩ là thân nhân của các gia đình bạn bè tôi, rất chính xác. Tiêu biểu là trường hợp chị Nguyễn Thị Tú, nguyên là lãnh đạo phong trào phụ nữ Sài Gòn trong thời kỳ chống Mỹ. Các gia đình và đoàn thể cơ quan liên quan đến liệt sĩ rất cám ơn ông Liên.

Như vậy chỉ qua những trường hợp mà tôi biết, khả năng tìm mộ của ông Liên không phải là cá biệt và đó là một năng lực hiếm có. Tôi nghĩ cần có biện pháp và điều kiện để giữ lâu dài năng lực này nhằm đáp ứng nguyện vọng tha thiết và chính đáng của nhân dân ta; đồng thời góp phần thực hiện chính sách Thương binh Liệt sĩ của Đảng và Nhà nước”.

Khả năng đặc biệt của ông Nguyễn Văn Liên đã “thấu” đến cả Chính phủ. Ngày 13-8-1997 Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Khánh truyền đạt trong Công văn số 4027 / KGVX về việc xem xét hiện tượng tìm mộ liệt sĩ của ông Nguyễn Văn Liên.

Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường đã đề nghị Bộ Nội vụ ( Bộ Công an), tổ chức phối hợp các đơn vị: Viện Khoa học Hình sự , Liên hiệp khoa học Công nghệ Tin học ứng dụng (UIA) và Trung tâm bảo trợ văn hoá kỹ thuật truyền thống, thực hiện nhiệm vụ trắc nghiệm khả năng tìm mộ từ xa của ông Nguyễn Văn Liên thời gian từ tháng 8-1997 đến tháng 12-1997.

Khi các nhà khoa học “soi” các nhà ngoại cảm

Một nhóm nghiên cứu được thành lập với nhiệm vụ đặt ra là trắc nghiệm khả năng tìm mộ từ xa của ông Nguyễn Văn Liên là có thật hay là sự đồn đại mê tín dị đoan. Khi kết thúc quá trình trắc nghiệm sẽ có cơ sở để kết luận và báo cáo Chính phủ.

Nhóm nghiên cứu đã thực hiện nhiệm vụ với tinh thần thận trọng, nghiêm túc, xây dựng các biểu mẫu thống kê, tổ chức theo dõi quan sát, ghi chép, thu thập số liệu, dữ kiện sau đó tổng hợp phân tích, đánh giá và kết luận. Hơn 5 tháng làm việc cố gắng khẩn trương và khách quan với sự cộng tác nhiệt tình của ông Nguyễn Văn Liên.

Kết quả cuối cùng của nhóm nghiên cứu được Thứ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường lúc đó – ông Chu Hảo – báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong công văn 581/ QLKH ngày 12-3-1998 với một số nội dung quan trọng:

“Khả năng tìm mộ liệt sĩ thất lạc của ông Nguyễn Văn Liên là có thật; Tỷ lệ tìm thấy được mộ trong đợt trắc nghiệm tương đối cao (khoảng 70%); Trong mỗi vụ ông Liên đưa ra trung bình khoảng 40- 45 thông tin mà trong quá trình tìm mộ phải xác định đúng thông tin này. Theo tỷ lệ thống kê, tỷ lệ thông tin đúng trong từng vụ khoảng 70 -80%”.

Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường kiến nghị: “Nhà nước nên giao cho ngành Lao động – Thương binh – Xã hội tổ chức chu đáo để ông Nguyễn Văn Liên giúp nhân dân tìm kiếm hài cốt thân nhân trước hết là các liệt sĩ bị thất lạc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ”.

Xét đề nghị trên, Thủ tướng Chính phủ sau đó đã có ý kiến: “Đồng ý với đề nghị của Bộ Khoa học – Công nghệ và Môi trường về việc tiếp tục triển khai Chương trình khảo nghiệm khả năng tìm mộ từ xa bằng phương pháp ngoại cảm của ông Nguyễn Văn Liên với mức độ cao hơn…”.

Ngày 5-4-1998, Thủ tướng Phan Văn Khải nghe báo cáo và có ý kiến: “Hoan nghênh Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và các cơ quan tiến hành khảo nghiệm nghiêm túc. Kết quả khảo nghiệm đáng chú ý. Hoan nghênh cố gắng tích cực của anh Nguyễn Văn Liên trong tham gia khảo nghiệm và đã giúp tìm được hài cốt nhiều liệt sĩ và thân nhân các gia đình”.

Từ kết quả được khẳng định ở giai đoạn I, khả năng đặc biệt của các nhà ngoại cảm tiếp tục được khảo nghiệm ở giai đoạn 2 với mức độ cao hơn và thêm số liệu thống kê. Giai đoạn II, đối tượng nghiên cứu còn thêm những người có năng lực chuyên môn đồng dạng với ông Nguyễn Văn Liên ( bà Nguyễn Thị Nguyện, ông Nguyễn Văn Nhã, ông Phan Văn Lập, ông Trần Văn Tìa, bà Vũ Thị Minh Nghĩa…)

Thực tế cho thấy, quy trình tiếp nhận thông tin của ông Liên và các đồng môn rất đơn giản: chỉ cần nói họ của người cần tìm mộ và quan hệ giữa người cần tìm với người đi tìm. Từ đó, những thông tin về ngôi mộ liệt sĩ thất lạc sẽ tự đến, hầu như nhà ngoại cảm không phải dò xét, không phải suy nghĩ.

Trong khi cung cấp thông tin cho thân nhân liệt sĩ, nhà ngoại cảm vẫn có thể nói sang việc khác hoặc làm việc khác xen kẽ mà không gặp trở ngại. Có nhiều ví dụ chứng minh cho khả năng đặc biệt của các nhà ngoại cảm mà nhóm nghiên cứu giai đoạn II đã mắt thấy tai nghe và ghi lại dưới đây.

Những điều tai nghe mắt thấy

Trường hợp nhà ngoại cảm khẳng định tìm được vật chứng đặc biệt: Hồ sơ mã số 1047 NTN Thông tin trước: trong mộ có 2 vòng bạc, 4 nhẫn bạc, 6 đồng tiền bằng đồng, 1 đồng tiền bằng bạc, thực tế hoàn toàn chuẩn xác.

Trường hợp tìm thấy vật chứng có tính chất khẳng định: Liệt sĩ là anh ruột của Trung tướng Trương Hữu Quốc (Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) tìm thấy tại hầm Củ Chi, bọc nylon xanh và có tên liệt sĩ (trong danh sách 2.100 bộ hài cốt).

“Thông tin của các nhà ngoại cảm đưa ra rõ ràng dứt khoát, mang tính cá biệt cao, không mập mờ kiểu nói dựa; việc vẽ sơ đồ được tiến hành nhanh, dễ xem, dễ hiểu lại khá chính xác.”

Một trường hợp khác: Liệt sĩ Nguyễn Danh Bình (Hà Tây): theo tin của đồng đội, đã hy sinh và bị cá sấu ăn thịt; nhưng nhờ thông tin ngoại cảm đã tìm được người chôn cất liệt sĩ, tìm được cả tấm ảnh trong túi áo liệt sĩ lúc hy sinh. Bức ảnh và các bức thư đã được đưa vào Viện Khoa học Hình sự giám định.Còn nhiều ví dụ về khả năng tìm mộ đặc biệt của các nhà ngoại cảm mà trong khuôn khổ bài viết này không thể liệt kê hết.

Các nhà ngoại cảm nói chính xác đến mức không ít người nghi ngờ họ đã dùng “thủ đoạn”: Đến trước từng nghĩa trang, từng địa phương để ghi chép, điều tra địa hình; việc chỉnh mộ bằng điện thoại là do chân gỗ đi theo từng gia đình để điện thoại báo trước cho nhà ngoại cảm.

Có hay không thủ đoạn đó… ?

Cuộc kiếm tìm kỳ lạ ở trường Bách khoa

– 7 giờ tối ngày 23-6-1997, hàng trăm người dân phường Bách Khoa, trong đó có nhiều giáo sư, tiến sỹ trường Đại học Bách khoa đã chứng kiến cuộc điện đàm bằng điện thoại di động giữa ông Bùi Văn Sướng, con trai Liệt sỹ Bùi Văn Thịnh và nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên đang ở Hải Dương cách Hà Nội 54 km.

Ông Bùi Văn Sướng (cầm ô bìa phải) theo dõi quá trình tìm hài cốt.

Ông Liên xác định chính xác từng chi tiết nơi chôn của Liệt sỹ Bùi Văn Thịnh. Và những gì diễn ra sau đó khiến tất cả ngỡ ngàng…

Hội nghị đặc biệt theo dõi nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên thể hiện khả năng tìm mộ ngay tại hội trường, theo yêu cầu của bất kỳ ai. Một người đứng lên yêu cầu ban tổ chức cho phép ông Liên chỉ dẫn tìm hài cốt người anh ruột của ông hy sinh trong một cuộc chiến đấu tại tây nam tỉnh Ninh Bình năm 1953. Nguyễn Văn Liên chưa hề đặt chân tới Ninh Bình nhưng ngay lập tức đã dựng lên sơ đồ mộ chí.

Các thông tin do Nguyễn Văn Liên nói ra đã được vị đại biểu xác nhận là chính xác: “Liệt sỹ là con trai trưởng, chưa lập gia đình; liệt sỹ ở đơn vị trung đội 115, sư đoàn 320; Liệt sỹ đã bị thương lần đầu tiên vào tháng 6 -1953. Đến cuối 1953 thì hy sinh trong một trận đánh chiếm quả đồi do quân Pháp đóng giữ; Khi hy sinh, liệt sỹ nằm trong tư thế nằm nghiêng, tay trái bó thẳng, đặt trên tấm cánh cửa của một nhà giàu trong vùng. Hai người khiêng đến nay còn sống, là bà Mè và ông Thuận. Ông Thuận 76 tuổi, có hai vợ con”.

Dự đoán của nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên quá tỉ mỉ, chi tiết như ông đã tận mắt chứng kiến. Ít lâu sau vị đại biểu kia lên đường đi tìm mộ theo sơ đồ chỉ dẫn của ông Liên. Thực tế diễn ra đúng như lời dự đoán của nhà ngoại cảm này!

Ngay tại hội nghị, mọi người đã nghe tiến sỹ Bùi Văn Sướng – Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải kể lại chuyện tìm được di hài thân phụ của ông mất tích đã hơn 50 năm trong một cuộc vượt ngục ở Hỏa Lò theo sự chỉ dẫn của ông Nguyễn Văn Liên.

Cuộc điện đàm gây kinh ngạc

7 giờ tối ngày 23-6-1997, hàng trăm người dân phường Bách Khoa trong đó có nhiều giáo sư, tiến sỹ trường Đại học Bách khoa đã chứng kiến cuộc điện đàm bằng điện thoại di động giữa ông Bùi Văn Sướng, con trai Liệt sỹ Bùi Văn Thịnh và nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên đang ở Hải Dương cách Hà Nội 54 km. Ông Liên đã xác định chính xác từng chi tiết nơi chôn của Liệt sỹ Bùi Văn Thịnh.

Trong khi xếp xương cốt vào trong tiểu, ông Sướng gọi điện thoại cho ông Liên: “Anh Liên ơi, tôi đã tìm thấy quan tài của bố tôi rồi, anh cho biết tôi phải làm gì bây giờ”. “Ông đang xếp xương của cụ vào tiểu rồi, ông còn hỏi gì nữa”, Nguyễn Văn Liên trả lời rồi nói tiếp: “Nhưng cánh thợ đã làm vỡ một mảnh xương sọ của cụ, bằng đít cái thìa, ông cho con cháu xuống tìm ở gần giữa huyệt sẽ thấy”.

Lập tức mấy đứa cháu lội xuống và mò ngay thấy mảnh xương lắp vào đúng vết vỡ trên sọ ông cụ.

“Có đúng mộ cụ nằm chéo góc với đường thoát nước nhưng song song với đường đất bên cạnh phải không?”. Mọi người có mặt đều nhìn thấy điều đó nhưng anh Sướng nói chệch đi: Ở đây chỉ có đường nhựa chứ không có đường đất”. Câu trả lời: “Tôi đánh cuộc với ông đấy. Đây là đường đá gạch lổn nhổn chứ không có đường nhựa”.

Sự thật đúng như vậy. Đó chính là con đường nối nhà C và nhà D trong trường Bách khoa.

Cuộc tìm kiếm 40 năm

Cụ Bùi Văn Thịnh (bí danh Thơ Lam) quê xã Gia Trấn, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, tham gia Cách mạng đồng chí hội từ trước năm 1930. Năm 1931, ông bị địch bắt giam ở nhà tù Sơn La, rồi Hỏa Lò. Đầu năm 1935 do phong trào đấu tranh dân chủ, thực dân Pháp phải cho ông ra tù và quản thúc tại địa phương.

Đầu năm 1943 ông bị địch bắt lại. Sau khi địch biết một số tù chính trị vượt ngục bằng đường ngầm từ phòng giam của ông, chúng tra tấn ông đến chết. Chính các đồng chí còn lại trong tù mang ông chôn ở khu nghĩa trang Bạch Mai gần Đông Dương học xá cũ, tức trường Bách khoa ngày nay.

Suốt 40 năm, khi đã khôn lớn, với một tâm linh trong sáng, ông Bùi Văn Sướng đã bằng mọi cách đi tìm hài cốt cha mình nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Đang lúc buồn, ông Sướng đọc được bài báo của tác giả Phạm Quang Đẩu đăng trên tờ Thế Giới Mới ngày 12-5-1997 giới thiệu “Nguyễn Văn Liên – một khả năng ngoại cảm đặc sắc”.

Sau đó ông Sướng đã tiếp cận được với Nguyễn Văn Liên vào tối 10-6-1997. Ngay đêm gặp gỡ tại nhà ông Liên, mới chỉ nói tên bố, nhà ngoại cảm này đã lấy giấy bút vẽ ngay bản đồ nơi chôn Liệt sỹ Bùi Văn Thịnh.

Ông Liên khẳng định: “Theo bản đồ, hài cốt đặt tại bãi có cây lá nhỏ hoa đuôi vàng, sát tường bờ dậu. Nằm cạnh một cống ngầm thoát nước ở độ sâu 1,75m. Phần mộ trông ra đầu sân vận động, dãy nhà C, tháp nước, chợ Bách Khoa, đối diện nhà bà Hòa và cách miệng hố bom từ 13 đến 19m. Ông phải tìm ngay đi, nếu để muộn công trường người ta xây nhà lên sẽ không tìm được nữa đâu”.

Cầm tấm bản đồ, ở góc ký tự rất lạ, lòng đầy nghi hoặc, ông Sướng nhờ Công an phường Bách khoa xác định tọa độ. Thật bất ngờ, tất cả đều đúng.

Trường Bách khoa đã xây cất biết bao nhiêu nhà, vậy mà vẫn còn một bãi đất trống trông ra sân vận động, tháp nước cũ kỹ… Đo từ vị trí đặt mộ đến miệng hố bom (hãy còn dấu tích) được 13,5m. Nơi đây, một công ty xây dựng của Sở nhà đất đang khoan nhồi để xây trụ sở phường. Từng đống bê tông ngổn ngang, hàng rào lưới thép bao quanh.

Điều đặc biệt lý thú là ông Sướng đã nhận ra hướng đường cống thoát nước ngầm từ sân vận động, nơi năm 1958 ông và các sinh viên khoa xây dựng trường Đại học Bách khoa đã làm dấu khi từ công trường Bắc Hưng Hải về.

Sau khi thực sự tin tưởng, được sự giúp đỡ của phường Bách Khoa, 7 giờ sáng chủ nhật 22-6-1997, gia đình đã tổ chức khai quật phần mộ của Liệt sỹ Bùi Văn Thịnh. Đến 12 giờ trưa đã đào trúng cống thoát nước cách mặt đất khoảng 70 cm. Kiên trì đào trên diện rộng 6m2, đến 4 giờ chiều hôm sau thì phát hiện quan tài nằm dưới ống cống, song song với con đường nối nhà C và nhà D.

Có đúng hài cốt liệt sỹ Bùi Văn Thịnh?

Việc tìm thấy quan tài ở đúng vị trí mà Nguyễn Văn Liên xác lập trên bản đồ đã nhanh chóng lan truyền trong ngành giao thông vận tải, trong phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Nhưng một câu hỏi đặt ra: liệu có đúng là hài cốt liệt sỹ Bùi Văn Thịnh trong khi ta chưa có điều kiện giám định gen?

“Anh Liên ơi, thế trong mộ còn gì nữa?”. “Có một đôi dép nhưng chỉ còn quai, đế mục rồi”. “Đúng thế!”. Ông Liên nói tiếp: “Quan tài làm bằng gỗ vối đã mục, ông xem các mảnh mà các cháu vớt lên có đúng mùi thơm không?”.

Nhiều người xô đến, người cầm, người đưa lên mũi ngửi. Quả thực có mùi thơm của gỗ vối.

Tuy nhiên, ngay sau khi tìm thấy hài cốt, các nhà khoa học đã bằng kinh nghiệm tiến hành thí nghiệm ngay để xác định quan hệ huyết thống.

Giáo sư – Tiến sỹ Lã Ngọc Khuê – thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã lấy máu ở tay ông Sướng nhỏ giọt trên xương ống. Giọt máu vo tròn không lan tỏa. Tiếp tục nhỏ máu vào các mảnh xương khác không trơn láng. Máu bị hút hết vào trong không còn vết tích.

Còn một chi tiết nữa, ông Sướng kể: “Hồi bé tớ thường nằm trên bụng bố, tay mân mê nghịch chiếc răng bạc của ông”. Trong hài cốt Liệt sỹ Bùi Văn Thịnh, đã tìm thấy chiếc răng bạc.

Lại nữa, khi còn sống, tướng Đinh Đức Thiện người cùng bị tù, chứng kiến cái chết có lần đã kể với ông Sướng: “Người cai ngục khi chôn bố cháu đã ném vào quan tài một viên đạn để gia đình sau này biết mà tìm”. Cuộc khai quật ngày 23-6 cũng tìm thấy viên đạn nói trên! Như vậy “nhân chứng, vật chứng” đã đầy đủ và có thể kết luận: đã tìm thấy hài cốt liệt sỹ Bùi Văn Thịnh sau 52 năm hy sinh giữa lòng Thủ đô.

Khả năng đặc biệt của Nguyễn Văn Liên đã giúp tìm hàng ngàn ngôi mộ liệt sỹ bị thất lạc. Trong rất nhiều lá thư cảm ơn Nguyễn Văn Liên của thân nhân gia đình liệt sỹ, có lá thư của bà Nguyễn Thị Bình – lúc đó là Phó Chủ tịch nước…

Tố Linh – nguyenngochoai.vn | Theo UIA